Bộ luật Dân sự mới nhất năm 2023 là Bộ luật nào?
Ngày 24/11/2015, Quốc Hội chính thức thông qua Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ thông tin, văn bản hoặc dự thảo nào về việc ban hành Bộ luật Dân sự mới để thay thế cho Bộ luật Dân sự 2015.
Do đó, trong năm 2023, Bộ luật Dân sự 2015 vẫn sẽ có hiệu lực và tiếp tục được áp dụng cho đến khi có văn bản thay thế.
Bộ luật Dân sự mới nhất năm 2023 là Bộ luật nào? Những văn bản nào hướng dẫn Bộ luật Dân sự 2023? (Hình từ Internet)
Những Nghị định nào được sử dụng để hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 2015?
Hiện nay, một số Nghị định được sử dụng để hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm
- Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
- Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
- Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ
- Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm
- Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/01/2023 và được thay thế bởi Nghị định 99/2022/NĐ-CP)
Trên đây là một số Nghi định tiêu biểu hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 2015.
Những văn bản nào được dẫn chiếu bởi Bộ luật Dân sự 2015?
Một số văn bản được dẫn chiếu bởi Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Luật Doanh nghiệp 2020
- Luật Nhà ở 2014
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Luật Phá sản 2014
- Luật đất đai 2013
- Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
- Luật Quốc tịch Việt Nam 2008
- Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005
- Luật di sản văn hóa 2001
Những nguyên tắc nào được xem là cơ bản của pháp luật dân sự?
Tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như sau:
- Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Việc áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 được thực hiện như thế nào?
Căn cứ vào Điều 4 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Áp dụng Bộ luật dân sự
1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.
2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
4. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Theo đó, Bộ luật Dân sự được áp dụng chung để điều chỉnh các quan hệ dân sự. Những Luật khác có liên quan được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ, lĩnh vực cụ thể hơn thì không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Bên cạnh đó, tại Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về trường hợp được phép áp dụng tập quán trong quan hệ dân sự như sau:
- Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau và pháp luật cũng không quy có quy định thì sẽ áp dụng tập quán. Tuy nhiên, tập quán được áp dụng không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.