1. Luật sư tư vấn Thừa kế - Di chúc
Pháp luật dân sự quy định tôn trọng ý chí của người để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết thông qua di chúc. Do đó, thường phát sinh tranh chấp đối với những người không được chỉ định hưởng di sản theo di chúc với những người thừa kế theo di chúc. Vì vậy, để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên trong quan hệ thừa kế cần phải tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật dân sự. Trong trường hợp không có thời gian tìm hiểu hoặc không nắm rõ các quy định của pháp luật, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.
Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tư vấn pháp luật trong trường hợp người không được hưởng di sản theo di chúc hạn chế bán di sản
Câu hỏi: Kính gửi luật sư Minh Gia. Mình có ý định mua nhà thừa kế nội dung như sau: Gia đình có 6 người con, bố mẹ đã chia thừa kế cho 2 người con hiện tại còn 4 người con chưa được chia thừa kế. Bố mẹ để di chúc sau khi chết chia cho 4 người con này (có bản di chúc của bố mẹ được phường xác nhận).
Hiện nay gia đình làm chuyển quyền thừa kế cho 4 người được hưởng trong di chúc nhưng trong đó có 1 người con đã được chia thừa kế không chịu ký xác nhận trên biên bản.
Vậy trường hợp này có cách nào làm được theo đúng pháp luật và ko cần người con không có tên trong thừa kế ký không? Mong nhận được phản hồi sớm của luật sư. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ thông tin bạn cung cấp thể hiện cha mẹ để lại di chúc định đoạt tài sản cho 4 người con. Tuy nhiên, thông tin không thể hiện rõ tại thời điểm hiện nay cha mẹ còn sống hay không. Vì vậy, có thể phát sinh hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Cha mẹ vẫn còn sống.
Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật…”
Đồng thời, pháp luật dân sự quy định di chúc phát sinh hiệu lực vào thời điểm mở thừa kế (thời điểm người có tài sản chết).
Như vậy, nếu cha mẹ - người lập di chúc vẫn còn sống thì bản di chúc đã lập chưa phát sinh hiệu lực pháp luật. Do đó, cha mẹ vẫn được xác định là người sử dụng đất hợp pháp và cha mẹ có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại… quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai mà không cần sự đồng ý của những người có tên trên bản di chúc của cha mẹ.
Trường hợp 2: Cha mẹ đã mất.
Trong trường hợp cha mẹ đã mất thì bản di chúc của cha mẹ phát sinh hiệu lực pháp luật thì di sản thừa kế sẽ được chia theo phần cho 4 người con trong di chúc. Nếu một trong hai người con không được phân chia tài sản trong di chúc là người chưa thành niên hoặc người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu phân chia cho họ một phần di sản thừa kế theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Đối với trường hợp này, khi bạn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất thì cần phải có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của tất cả người thừa kế theo di chúc và người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Trường hợp trong một trong hai người con không được chia tài sản theo di chúc không phải là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định nêu trên thì người đó không có quyền đối với phần di sản được cha mẹ định đoạt trong di chúc. Và để có thể nhận chuyển nhượng nhà, đất được định đoạt trong di chúc bạn có thể thỏa thuận với 4 người thừa kế theo di chúc.