Cụm từ "mã số định danh cá nhân" ngày càng quen thuộc với người dân khi được sử dụng trong nhiều thủ tục hành chính và có vai trò quan trọng trong kết nối, liên thông dữ liệu công dân.
Theo điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ Căn cước công dân là mã số định danh cá nhân. Số này được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
Như vậy, mỗi công dân sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân riêng và duy nhất. Khi đi làm thẻ căn cước công dân gắn chíp, cơ quan có thẩm quyền sẽ dùng chính mã số định danh cá nhân cấp trước đó để làm số căn cước công dân.
Thẻ căn cước công dân gắn chíp. Ảnh: Phạm Dự
Nghị định 137/2015 quy định, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số và chính là số căn cước công dân. Mã số định danh có cấu trúc như sau:
- 3 số đầu là mã tỉnh, thành phố hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh. Ví dụ: Hà Nội là 001, TP HCM 079, Đà Nẵng 048, Hải Phòng 031,...
- Số thứ 4 là mã thế kỷ sinh, mã giới tính. Ví dụ: Thế kỷ 20 thì nam số 0, nữ số 1; thế kỷ 21 thì nam 2 nữ 3,...
- 2 số tiếp theo là mã năm sinh của công dân;
- 6 số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.
Trong mã số định danh cá nhân sẽ tích hợp nhiều thông tin của công dân như họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, quê quán, dân tộc, tôn giáo, thông tin chủ hộ và các thành viên trong gia đình...